01:03 1 thg 12 2007
Nhà thơ Chính Hữu đã không còn nữa. Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi được gặp Chính Hữu ở ngay nhà ông - một khu tập thể quân đội - hình như số 16 Lý Nam Đế thì phải. Đó là một ngày đầu hạ năm 1970. Tôi lúc ấy là chú lính mới đeo quân hàm chuẩn úy, mới ra trường, làm phóng viên cũng mới, làm thơ càng thuộc hạng vô danh, chỉ có vài ba bài thơ đăng báo. Nhưng tôi gặp Chính Hữu không phải để thọ giáo thơ ca hay bàn chuyện văn chương.
Tôi gặp ông để xin được đi chiến trường. Lúc đấy Chính Hữu làm lãnh đạo Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trịá, một người tôi nghĩ là có quyền chấp nhận nguyện vọng của tôi.
Ông tiếp tôi tại căn phòng tập thể nhỏ hẹp, vừa nói chuyện với khách vừa lo chăn dắt đứa con nhỏ. Thỉnh thoảng ông lại trừng mắt với thằng bé. Tôi là người lạ, cũng có phần ái ngại khi "trình bày nguyện vọng" trong hoàn cảnh như thế. Nhưng lạ thay, khi nói chuyện với tôi, lúc ấy chỉ là đứa nhỏ so với ông, tôi nhận thấy giọng nói của Chính Hữu thật hiền, vừa chân thành vừa khiêm tốn, dù ông cũng chẳng biết tôi là ai. Nhưng nguyện vọng của tôi thì ông biết. Và đồng cảm. Bởi ông cũng là người lính:
"Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa"
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa"
(Ngày về)
Lần đầu đọc bài thơ ấy, tôi cứ ngỡ Chính Hữu là người Hà Nội. Vậy mà quê gốc ông lại ở Can Lộc (Hà Tĩnh), và ông sinh ở Vinh (Nghệ An). Sao thơ ông lại có giọng thuần chất của một chàng trai Hà thành? Thì ra, Chính Hữu ra học Hà Nội, và từng đỗ tú tài ban Triết ở thủ đô. Năm 1946, ông gia nhập Trung đoàn Thủ Đô lừng danh, và bài thơ Ngày về ra đời khi chàng trai Chính Hữu sau 60 ngày đêm quyết chiến "trên từng con phố" đã theo trung đoàn "rút qua gầm cầu Long Biên" về bên kia sông Hồng trong một đêm "cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng". Thơ Chính Hữu lúc bấy giờ là kết tinh những gì đẹp nhất, hào hoa nhất mà cũng lãng mạn nhất của cả một thế hệ những người lính thủ đô có học và có thừa dũng khí "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".Thơ ông khi đó thăng hoa cả hồn phách của những người lính tự nguyện và tự ý thức về sự tự do tuyệt đối của tâm hồn mình trong cuộc quyết chiến vì độc lập tự do của cả dân tộc. Đó là thời điểm không lặp lại trong suốt một hành trình. Sau này, lắng lại qua bao gian khổ, Chính Hữu lại có bài thơ Đồng chí nổi tiếng mà nhạc sĩ Minh Quốc - một đồng đội của ông tận chiến trường cực Nam đã phổ nhạc - một ca khúc ăn ý hoàn toàn với chất giọng thơ Chính Hữu:
"Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay"
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay"
(Đồng chí)
Đó lại là bài thơ tiêu biểu cho thơ kháng chiến chống Pháp, thơ về người lính thời chống Pháp. Khi "đôi giày vạn dặm" đã "rách tả tơi" rồi, thì cả bàn chân trần, bàn tay trần, trái tim trần của người lính đã tự nhiên tìm đến nhau, giữ lửa cho nhau, và giữ cả cái hình ảnh "đầu súng trăng treo" - quyết liệt không chịu mất chút lãng mạn - trong nhau.
Kịp đến những tháng năm chống Mỹ, Chính Hữu lại lặng lẽ xuất hiện trên thi đàn với bài thơ Ngọn đèn đứng gác. Và đó cũng là một trong những bài thơ tiêu biểu ở những năm đầu chống Mỹ, bài thơ còn được ngân xa hơn với âm nhạc của Hoàng Hiệp. Chính Hữu như một người đạc điền trong thơ ca. Ông lặng lẽ cắm mốc bằng những bài thơ tiết chế đến tối giản của mình. Sau này, thỉnh thoảng gặp ông ở Hội Nhà văn, tôi càng nhận thấy sự tối giản, những khoảng lặng, cách tiết chế ấy của thơ ông nằm ngay trong tính cách và cách sống của ông.
Thơ là người, và không thể khác. Chỉ để lại mấy chục bài thơ, nhưng thơ Chính Hữu sống. Nó sống ngay trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, dù những thế hệ sau không còn biết đến chiến tranh, và có thể chỉ nhìn thấy hình ảnh người lính trên phim ảnh, và thỉnh thoảng ngoài đời.
ThanhThảo
_________________________________________________________________
CHÍNH HỮU sinh ngày 15 tháng 12 năm 1926 tại Vinh (Nghệ An). Tuy nhiên, quê của ông lại là huyệnCan Lộc nay là huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông học tú tài (triết học) ở Hà Nội trước cách mạng tháng tám. Năm 1946, ông gia nhập Trung đoàn Thủ Đô và hoạt động trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Ông còn làm chính trị viên đại hội (chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954). Ông làm thơ từ năm 1947 và hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Tập thơ Đầu súng trăng treo (1966) là tác phẩm chính của ông. Bài thơ "Đồng chí" được in vào tháng 2-1948. Thơ ông không nhiều nhưng lại có nhiều bài đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc. Ông đã sáng tác bài thơ "Đồng chí" mà sau này đã được phổ nhạc cho bài hát "Tình đồng chí". Bài hát đã khơi dậy những xúc động mãnh mẽ trong lòng nhiều thế hệ . Ông mất ngày 27/11/2007 tại Bệnh viện Hữu Nghị - Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét