Chào mừng bạn đến với Blog LonelyMan!

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

2-9: TẾT ĐỘC LẬP

00:24 2 thg 9 2010Công khai524 Lượt xem5




Ảnh riêng
Hôm nay là ngày 2-9 Dương lịch. Hồi tôi còn nhỏ, ở quê tôi người ta gọi ngày này là Tết Độc Lập. Và đây là một cái Tết lớn, được mong chờ, và khi ngày 2-9 đến thì một không khí lễ hội bao trùm cả làng quê, từ trường học đơn sơ, nhà kho Hợp tác xã, từ trụ sở Ủy ban hành chính xã đến từng mái tranh nghèo trong ngõ vắng. Và đây là một cái Tết đặc biệt, bởi nó là cái Tết duy nhất tính theo Dương lịch. Tất cả các Tết khác đêu tính theo Âm lịch.
2-9 lại đến. Được nghỉ. Mình cũng "ăn Tết" như mọi năm. Sẽ có bữa trưa ngon hơn ngày thường. Sẽ có đoàn tụ gia đình, con cháu. Sẽ có nén nhang dâng các cụ. Sẽ có một sự thư thái trong tâm hồn. Và giờ đây thì tự thưởng cho mình một ly linh chi nóng, một điếu Vinataba, ghếch chân lên mép bàn thật thư giãn, ngả lưng vào thành ghế, rồi bồi hồi nhớ những ngày Tết Độc Lập thời ấu thơ và những ngày Tết khác của đất nước mình.
 Ở nước ta, ngoài tết cổ truyền được tổ chức trên toàn quốc từ ngày 1 đến hết ngày 3 tháng 1 âm lịch, còn gọi là tết Nguyên Đán (Tết Cả) có thời gian diễn ra dài nhất, mang tính thống nhất cao, hội tụ nhiều nét văn hoá nhất trong các tết ở Việt Nam, còn một số tết khác diễn ra trong năm.
Theo âm lịch, ở Việt Nam hàng năm còn có một số ngày tết tiêu biểu mang tính chung nhất cho cả cộng đồng, đó là:
Tết Khai Hạ, tổ chức vào ngày 7 tháng 1 với ý nghĩa hạ cây nêu, mở tết khai hạ để chào đón mùa xuân mới, cầu may cho cả năm tốt đẹp, mưa thuận gió hoà, làm ăn thuận lợi.
Tết Nguyên Tiêu (còn gọi là Tết Thượng Nguyên), được tổ chức vào ngày 15 tháng 1. Phần lớn Tết Thượng Nguyên diễn ra tại các nhà chùa. Đến nay trong nhân dân vẫn còn truyền miệng câu “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng giêng”.
Tết Hàn Thực (đồ nguội), được tổ chức vào ngày 3 tháng 3, còn gọi là tết bánh trôi, bánh chay. Tết này bắt nguồn từ Trung Quốc, thời Xuân Thu. Truyền thuyết của tết kể về đức trung Vua, hiếu Mẹ của một hiền thần là Giới Tử Thôi, nay vẫn còn miếu thờ ở núi Điền Sơn (Trung Quốc).
Tết Thanh minh, được tổ chức vào tháng 3. Nhân dân ta thường chọn ngày thuận lợi nhất trong tháng để đi thăm, nhặt cỏ, phát quang, bồi đắp mồ mả gia tiên, họ hàng, người thân. Nhắc nhở mọi người nhớ về cội nguồn và truyền thống tốt đẹp của dòng họ, thường là vào ngày “trời quang, mây tĩnh”, khí hậu mát mẻ. Người Việt nam khi nhắc đến tết Thanh minh đều nhớ câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiều: Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/ Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/ Thanh minh trong tiết tháng ba/ lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
Tết Đoan Ngọ, được tổ chức vào ngày 5 tháng 5, còn gọi là Tết “giết sâu bọ”. Đây là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi, dễ sinh nhiều bệnh, nhất là đối với trẻ em, người già. Nhân dân ta đã tìm ra một số phương pháp phòng bệnh cho mọi người, đến nay nhiều nơi còn áp dụng như: tắm vào sáng sớm để ngừa rôm, ăn rượu nếp hoặc những quả có vị chua, chát, trẻ em thì được bôi thuốc Hồng hoàng vào thóp trên đỉnh đầu, rốn, ngực; người lớn thì lấy một số lá như vối, mâm xôi, ích mẫu... phơi khô làm thuốc uống.
Tết Trung nguyên được tổ chức vào ngày 15 tháng 7, còn gọi là Tết “xá tội vong nhân”. Đó là cách gọi theo sách Phật (các vong hồn được xá tội). Vì thế nên ở các chùa thường tổ chức cầu kinh Vu Lan, ở các gia đình thì sắm đồ cúng gia tiên, đốt vàng mã với ý nguyện gửi cho người đã khuất.
Tết Trung thu, được tổ chức vào ngày 15 tháng 8. Đây là Tết dành cho trẻ em. Thường là ban ngày, người lớn bày cỗ cúng gia tiên, tối làm cỗ trông trăng. Cỗ thường là bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả… Trẻ em được tổ chức các trò chơi đón trăng lên như khua trống, rước đèn, múa sư tử. Trăng lên cao thì “phá cỗ” rất vui. Người lớn, ngoài việc tổ chức vui chơi cho trẻ em còn họp mặt, uống trà, rượu, ngâm thơ, bình thơ, ngắm trăng.
Tết Trung cửu (ngày và tháng đều là số 9), tổ chức vào ngày mùng 9 tháng 9, thời điểm này hay có lụt lội. Người xưa thường phải lên núi để tránh nước. Sau này có nơi biến thành những cuộc đi chơi lên vùng cao nên còn có nơi gọi là “Tết thưởng trùng dương”.
Tết Trùng thập (ngày và tháng đều là số 10) tổ chức vào ngày 10 tháng 10. Theo sách “Dược lễ” thì vào dịp này, ngày này, thời tiết thuận hoà nhất cho các cây thuốc phát triển và thu đủ hương sắc bốn mùa, công dụng đạt cao nhất. Ở một số vùng nông thôn nước ta hiện nay vẫn còn làm bánh dầy, nấu chè kho để cúng gia tiên vào dịp tết Trung thập.
Tết Cơm mới, còn gọi là Tết Hạ nguyên, được tổ chức vào ngày 1 tháng 10 hoặc ngày 15 tháng 10. Tết này được tổ chức ở vùng nông thôn là chủ yếu. Bà con nông dân rất phấn khởi vì đây là dịp tiến cúng gia tiên những thành quả lao động do chính mình làm ra, đồng thời cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, công việc nhà nông gặp nhiều may mắn.
Tết ông Táo, còn gọi là Tết Táo quân, được tổ chức vào ngày 23 tháng 12. Đây là tết cuối cùng trong một năm. Theo quan niệm của người xưa, đây là ngày vua bếp lên chầu trời để tâu việc làm ăn, cư xử trong gia đình. Truyền thuyết có câu: Thế gian một vợ một chồng/chẳng như vua bếp hai ông một bà. Vì vậy, đến ngày này, nhân dân ta thường mua 2 mũ ông, một mũ bà và ba con cá chép về cúng Táo quân.
Trong các tết kể trên, Tết Nguyên đán có sức sống lâu bền nhất, gắn bó nhất với đời sống tinh thần của nhân dân ta. Cũng chỉ có Tết Nguyên đán, mở đầu một vòng quay mới của vũ trụ sau bốn mùa vận hành mới phản ánh hết chiều sâu tâm hồn, tình cảm của con người Việt Nam đối với thế giới tự nhiên, bộc lộ bản sắc văn hoá, cốt cách của con người Việt Nam đối với các bậc tiền nhân - những người có công với dân, với nước, thể hiện thế giới nội tâm sâu sắc, lối ứng xử trọng đạo lý trong từng con người, từng gia đình Việt Nam… Tất cả tình cảm thiêng liêng và nhân văn đó đã hình thành và được nuôi dưỡng qua biết bao thế hệ, vững bền qua bao thăng trầm của lịch sử, bền bỉ hun đúc tổ ấm gia đình, tạo nên sức mạnh của làng, của nước. Tết Nguyên đán xứng đáng là Tết Cảtheo nghĩa của từ này, là lễ hội lớn nhất, tiêu biểu nhất của nước ta.

...
Việt Nam, ta lại gọi tên mình
Hạnh phúc nào hơn được tái sinh
Mát dạ ông cha nghìn thuở trước
Cho đời , hai tiếng mới quang vinh !

Hôm nay sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ ... chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình
               Hồ Chí Minh ! Hồ Chí Minh !

Người đứng trên đài, lặng phút giây
Trông đàn con đó, vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ... Ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây !

Người đọc Tuyên ngôn ... Rồi chợt hỏi:
“Đồng bào nghe tôi nói rõ không ?”
Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi
 Rất đơn sơ mà ấm bao lòng !

Cả muôn triệu một lời đáp : “ Có !”
Như Trường Sơn say gió biển Đông
Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ
Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông.

Trời bỗng xanh hơn, nắng chói loà
Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà !
...
 TỐ HỮU  ( Trich “ Theo chân Bác” )

  • BBOT
    • BBOT
    • 16:52 14 thg 10 2010
    Biển có bài hát này gửi LMFTP nghe cho khuây khỏa, 1 bài hát rất sâu sắc cầu hòa bình và thức tỉnh mỗi con người trên thế giới này biết chia sẻ và giúp đỡ nhau, đc thể hiện từ 1 giọng ca rất đặc biệt của 1 đứa trẻ.
    • Cu Bi
      • Cu Bi
      • 21:14 2 thg 9 2010
      Mừng Tết độc lập nào....!
      • Hoa Va`ng
        Nghỉ lễ QK 2/9 vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình nhé anh ! Mời anh cụng ly chúc mừng ngày độc lập của dân tộc nào !
        • Nguoiconcuanui
          " Bác Hồ một tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại..."
          • LonelyMan
            2-9-2010

          Không có nhận xét nào:

          Đăng nhận xét