Chào mừng bạn đến với Blog LonelyMan!

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2008

Giữ tiếng Việt tại Mĩ


13:07 19 thg 1 2008Công khai211 Lượt xem1

Người Việt ở nước ngoài gắng truyền lại cho con cháu tiếng mẹ đẻ để không bị mất gốc. Cả người dạy và người học đều nỗ lực bằng cả tấm lòng.
Học tiếng và học tính cách Việt
"Ây cờ ây cờ ây... cây", "Không, thầy bảo con đánh vần cái ca mà! Chữ này đọc là a, làm lại lần nữa nhé”, "Ây cờ ây cờ ây... ca", "Trời!"... Có lẽ khi nghe qua đoạn đối thoại trên, không ít người sẽ phì cười và nghĩ ngay tới một hài kịch đang công diễn.
Nhưng ở trong căn phòng nhỏ đó, chẳng có chút không khí nào báo hiệu sự đùa giỡn... mà có chăng một vẻ mặt hết sức căng thẳng, phụng phịu của cậu học trò nhỏ cùng tấm lưng ướt đẫm mồ hôi của một người thầy trẻ đang khom người trên trang sách.
Một chiều chủ nhật, tại một điểm dạy tiếng Việt ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas. Cảm nhận đầu tiên là không gian hoàn toàn mang hơi thở Việt. Đập ngay vào mắt mọi người khi bước vào tòa nhà là một góc căn-tin khá lớn và sạch sẽ với những mẩu thông báo rặt tiếng Việt như "Xin vui lòng xếp hàng trật tự" hay "Không ồn ào"... Còn bắt gặp trên bảng thực đơn là tên gọi của những món ăn, thức uống phổ biến của Việt Nam như nước mía, sương sa...
"Con chào các chú!" - một cậu bé mặt phúng phính cúi chào người lạ bằng thứ tiếng Việt lơ lớ rồi xồng xộc chạy băng vào bên trong như sợ trễ giờ lên lớp. Một phụ huynh ngồi gần đó vui vẻ cho biết học sinh bắt buộc phải áp dụng đúng nội qui của trung tâm đề ra mỗi khi bước vào đây như: không được đi trễ, gặp người lớn phải chào, phải sử dụng tiếng Việt trong trường... và nhất là phải bận đồng phục áo trắng quần xanh, đeo khăn quàng.
Chị H. - một giáo viên tại trung tâm - giải thích rõ hơn: "Trước khi dạy con chữ thì chúng tôi phải giáo dục về kỷ luật, tác phong, nhân cách Việt cho các em". Trung tâm có hẳn một đội giám thị luôn theo dõi và răn bảo những em nào vi phạm nội qui. Anh V. - giám thị chính - cho biết đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, anh buộc phải mời mấy em lên "uống trà” tại phòng giám thị.
Hầu hết các lớp dạy tiếng Việt ở Texas đều chỉ có thể tổ chức ở mức một giờ mỗi tuần, vào ngày cuối tuần."Như thế là quá ít để các em có thể sử dụng tiếng Việt một cách rành rọt". Đây là nhận định chắc chắn của hầu hết giáo viên và phụ huynh được hỏi. Vì vậy, cả người học lẫn người dạy đều phải nỗ lực tối đa, đặc biệt là các thầy, cô giáo.
Dạy bằng tấm lòng
Theo thống kê của Cục Quản lý dân số Mỹ, tiểu bang Texas có số người Việt sinh sống thuộc hàng cao nhất, nhì với khoảng 200.000 người (có lẽ chỉ đứng sau tiểu bang California).
Tại thành phố Dallas-Fort Worth của bang này, số người Việt tập trung dễ đến 50.000 người. Để tổ chức các lớp tiếng Việt, kiều bào phải mượn tạm phòng ốc của các nhà thờ, chùa chiền trong khu vực. Hầu hết các trung tâm đều được dạy hoàn toàn miễn phí!
Hầu hết giáo viên đều là các bậc trí thức có nghề nghiệp ổn định, có thể sử dụng thông thạo cả hai ngôn ngữ Anh - Việt. Và để đến được với môi trường này, không ít người trong số họ phải tranh đấu, bất đồng rất nhiều với gia đình và cả chính nội tâm vì những toan tính đời thường, những bận rộn thường thấy trong xã hội Mỹ. Thay vì dành ngày nghỉ cuối tuần để nghỉ ngơi, dưỡng sức hoặc giải trí cùng gia đình như bao đồng nghiệp khác thì họ lại chọn việc tới dạy tiếng Việt làm niềm vui.
"Mỗi tuần chỉ có một tiếng, nhưng không vì thế mà công việc của chúng tôi nhẹ nhàng. Giáo viên vừa phải đảm bảo dạy hết kiến thức được giao, đồng thời kiểm tra các em vào cuối giờ, tạo cơ hội cho tất cả các em được nói trong mỗi buổi học... mà không làm lố giờ của các em. Đôi khi việc đó khiến chúng tôi kiệt sức và chán nản", chị L. - một giáo viên - thẳng thắn tâm sự. Tuy nhiên, một điều mà giáo viên nào cũng lấy làm tự hào là học sinh người Việt rất ngoan, không bao giờ đánh lộn, gây sự trong lớp.
Về phía các bậc phụ huynh, tìm được trung tâm dạy tiếng Việt cho con thì chẳng khác bắt được vàng nên họ không chỉ cố gắng đưa đón con đi học mà lại rất biết ơn các thầy cô. Chị Hoàng Phạm, ở Arlington, là một ví dụ. Trước đây, do mải mê kiếm tiền từ nghề làm móng mà chị và chồng hầu như không dành chút thời gian nào để học ngoại ngữ cũng như tiếp xúc, trò chuyện với con trai. Chỉ tới khi cậu bé theo mẹ tới dự một đám cưới của người dì ruột và tỏ vẻ khó chịu ra mặt, nằng nặc đòi bỏ về nửa chừng do không hiểu mọi người đang nói gì, chị mới đâm hoảng.
Đêm hôm ấy, chị được một phen khóc nức nở khi mẹ nói đằng mẹ, con nói đằng con... mà chẳng hiểu nhau gì sất! Cái tát của người chồng dành cho đứa con lúc ấy như gáo nước giội chị bừng tỉnh khỏi niềm tự hào ảo về việc con mình nói tiếng Anh như gió bấy lâu nay. Và cuối cùng chị cũng thở phào nhẹ nhõm khi cậu con trai gật đầu chấp nhận theo học một trung tâm tiếng Việt gần nhà. Giờ đây chị đã có thể tự hào và thoải mái mỗi khi dắt cậu con trai tuấn tú của mình đi khắp nơi mà không sợ phải lâm vào tình thế khó xử nữa.
Và cũng không ít giáo viên dạy tiếng Việt tại các trung tâm trở thành những thông dịch viên kiêm tư vấn viên, cầu nối cho các cô, cậu học sinh của mình với gia đình, người yêu. Để rồi sau đó hầu hết những điều đó đều trở thành những kỷ niệm ngọt ngào khó quên cho cả người trong và ngoài cuộc. Ngày 20.11 vừa rồi, anh Ngọc Trần - giáo viên tại thành phố Austin - đã hớn hở khoe: "Mình vừa nhận được quà do các em tặng đấy cậu ạ!".Chỉ là một tấm thiệp nhỏ với những câu chúc bằng nét chữ còn non nớt và nhiều lỗi sai, nhưng với anh đó là món quà tinh thần đáng trân trọng vì các cô cậu học trò đã biết về Ngày nhà giáo Việt Nam...
Theo Công Nhật/báo Tuổi Trẻ

Tags: giữ.tiếng.việt.tại.mỹ | Edit Tags
Sunday 20 January 2008 - 09:34PM (ICT) Edit | Delete
Next Post: Entry for 20 January 2008 Previous Post: 19 January 2008

Comments

(1 total) Post a Comment
Bố lúc nào cũng nghĩ cho nước nhà nhỉ...
Chúc bố một tối tốt lành nhé!!!
Sunday 20 January 2008 - 09:38PM (ICT) Remove Commen
t

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét